Tin tức

Chuỗi cung ứng là gì? Quy trình cơ bản của một chuỗi cung ứng

11:08 AM, 20/11/2020

Hoạt động chuyển sản phẩm từ nguyên liệu thô với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, hình thành nên một sản phẩm và phân phối sản phảm đó đến khách hàng, được gọi theo khái niệm hiện đại là chuỗi cung ứng. Hiểu rõ về chuỗi cung ứng sẽ giúp các nhà hoạch định chiến lược đưa ra các phương án chính xác để thu về lợi nhuận cao nhất, đồng thời đảm bảo vận hành sản xuất và sản phẩm luôn đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Mục lục nội dung:
 
 
chuoi-cung-ung-la-gi
Tìm hiểu khái niệm chuỗi cung ứng là gì?

 

I. Mô hình chuỗi cung ứng

Nhắc đến khái niệm về chuỗi cung ứng, không thể không nhắc đến mô hình SCOR (mô hình tham chiếu các hoạt động chuỗi cung ứng), một mô hình được xem là khái niệm toàn vẹn và chuẩn mực đầu tiên về chuỗi cung ứng, mà đến nay đã và đang được áp dụng cho hàng triệu công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần xây dựng và định hình quy trình chuỗi cung ứng của họ.

Mô hình SCOR phát triển triết lý theo chiều ngang với 4 cấp độ mà ở đó, 3 cấp độ ban đầu bao gồm các quy trình và hoạt động được mô tả trong mô hình, cấp độ 4 thể hiện chi tiết các quy trình hoạt động theo dòng chảy công việc và được chuyên biệt hóa theo từng mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp khác nhau.

scor-model
Các cập độ của mô hình SCOR

 

II. Các hoạt động trong chuỗi cung ứng

Các hoạt động trong chuỗi được tóm gọn theo 4 bước bao gồm hoạch định chiến lược, tìm kiếm nguồn cung, sản xuất thành phẩm và phân phối đế khách hàng.

1. Hoạch định chiến lược

Đây là bước đầu để xây dựng quy trình chuỗi cung ứng hiệu quả, trong giai đoạn này đòi hỏi người quản lý cần lên kế hoạch để xây dựng hoạt động chi tiết cho các quy trình còn lại. Nhà quản lý cần nghiên cứu và đưa ra dự báo về lượng cầu tiêu dùng, định giá sản phẩm và quản lý lưu kho. Đây là các hoạt động cơ bản khi hoạch định chiến lược chuỗi cung ứng.

2. Tìm kiếm nguồn cung

Bộ phận thu mua sẽ chuyên trách về hoạt động này, đối với các nguyên vật liệu cần thiết, cần xác định được nhà cung cấp có nguồn hàng chất lượng và giá thành tối ưu nhất, qua đó làm cơ sở để lựa chọn thu mua từ họ. Tìm kiếm được nhà cung cấp tốt sẽ giúp gia tăng chất lượng sản phẩm và đảm bảo hoạt  động sản xuất diễn ra trơn tru.

3. Sản xuất thành phẩm

Sau khi đã có kế hoạch, thiết kế sản phẩm và nguồn nguyên liệu. Giai đoạn tiếp theo chính là sản xuất thành phẩm. Đây là bước vô cùng quan trọng quyết định chuỗi cung ứng có hiệu quả hay không. Sản phẩm đưa ra phải đáp ứng các yêu cầu khách hàng mà trước đó đã phân tích, cũng như là giải pháp tối ưu nhất cho họ, qua đó đảm bảo sản phẩm tiêu thụ tốt.

4. Phân phối khách hàng

Bước cuối cùng của chuỗi cung ứng chính là đưa sản phẩm ra thị trường. Trong giai đoạn này các yếu tố cần được đảm bảo là khả năng quản lý đơn hàng, đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng phải đạt chất lượng tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Có đối sách cụ thể cho quy trình đổi trả hàng đảm bảo danh tiếng doanh nghiệp và sự hài lòng cao nhất của khách hàng.

chuoi-cung-ung-doanh-nghiep
Nhà quản lý cần nắm rõ các hoạt động của chuỗi cung ứng

 

III. Vai trò của chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng vào tất cả hoạt động mua bán hàng ngày trên toàn thế giới. Đối với doanh nghiệp, nó quyết định trực tiếp đến doanh thu, hoạt động sản xuất và hướng phát triển trong tương lai.

Một doanh nghiệp có quy trình chuỗi cung ứng tốt sẽ giúp tránh được nhiều rủi ro về sản phẩm và dịch vụ, chuyên nghiệp hóa, tối ưu chi phí từ khâu nguyên liệu đến giá thành sản phẩm, đảm bảo nguồn cung ứng liên tục và giá thành cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Khi chuỗi cung ứng một ngành hàng diễn ra suôn sẻ, doanh nghiệp có thể phát triển các sản phẩm khác, đa dạng lĩnh vực nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển của hệ thống.

IV. Áp dụng công nghệ vào trong chuỗi cung ứng

Hiện nay áp dụng công nghệ vào quy trình chuỗi cung ứng đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý đầu tư. Trong đó bao gồm các hệ thống như:

- Hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp: Hệ thống đảm bảo các hoạt động và cơ sở dữ liệu của toàn bộ doanh nghiệp được thống nhất, giúp thông tin được tìm kiếm và nâng cấp nhanh chóng, đảm bảo sự đồng nhất theo hướng phát triển chung.

- Hệ thống theo dõi vận chuyển hàng hóa: Đây là hệ thống tối quan trọng để biết các đơn hàng, sản phẩm đang ở trạng thái nào, giúp người quản trị dể dàng xử lý và giải quyết các vấn đề phát sinh, giảm thiểu thời gian vận chuyển giúp gia tăng sự hài lòng của khách hàng.

- Kỹ thuật sóng vô tuyến nhận dạng đối tượng RFID: Các sản phẩm sẽ được gắn chip RFID người quản lý dễ dàng thống kê, theo dõi và kiểm soát hàng tồn kho. Đưa ra các thống kê nhanh chóng và báo cáo tình hình kinh doanh một cách chính xác nhất. Với kỹ thuật này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí kiểm đếm và loại trừ các lỗi con người.

quy-trinh-chuoi-cung-ung
Công nghệ chính là tương lai của quản lý quy trình chuỗi cung ứng

 

Kết

Qua bài viết, hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng quan về chuỗi cung ứng. Cũng như hiểu được khái niêm cơ bản của nó. Mỗi doanh nghiệp sẽ có cách vận hành quy trình chuỗi cung ứng riêng, tùy thuộc theo lĩnh vực kinh doanh cũng như sản phẩm của họ. Hiểu được cốt lõi của chuỗi cung ứng sẽ giúp bạn đưa ra được hoạch định chiến lược phù hợp giúp doanh nghiệp mình phát triển vững mạnh hơn.

Ý kiến của bạn