Thương mại điện tử đang trong giai đoạn bùng nổ trên toàn cầu, cùng với đó là sự gia tăng nhu cầu của người dùng. Điều này yêu cầu hoạt động Logistics - chuỗi cung ứng phải nâng cao năng suất, đảm bảo thời gian vận chuyển và chất lượng hàng hóa trong quy trình vận hành. Giải pháp tối ưu và nhanh nhất dành cho doanh nghiệp là sử dụng mô hình Logistics thuê ngoài. Hiện nay 1PL, 2PL và 3PL là các mô hình quản trị Logistics cơ bản tại Việt Nam nhưng riêng 4PL và 5PL vẫn còn khá xa lạ. Trong bài viết dưới đây, Eurorack sẽ giúp bạn có góc nhìn “đơn giản” hơn về mô hình Logistics nhé!
Mô hình Logistics là gì? Đây là một trong những ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân. Hoạt động này đóng vai trò kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của cả nước phát triển.
Tại Việt Nam, mô hình Logistics là mô hình không mới nhưng đa phần chỉ vận hành theo một mắt xích tổng thể. Các doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động đầy đủ các mảng của logistics. Tìm hiểu rõ hơn về mô hình dịch vụ Logistics sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo được hiệu quả và liền mạch trong quy trình của mình, cũng như tối ưu về mặt chi phí. Các mô hình Logistics được chia làm 5 cấp như sau:
1PL là hình thức dịch vụ do chính doanh nghiệp tự thực hiện hoạt động logistics để đáp ứng nhu cầu của mình. Để thực hiện được mô hình logistics này doanh nghiệp phải đầu tư các trang thiết bị, nguồn lực, phương tiện vận tải, nhà xưởng, thiết bị xếp dỡ, ... cũng như đào tạo kỹ năng, kiến thức chuyên môn cho nhân sự thực hiện các hoạt động logistics.
Thông thường, mô hình dịch vụ 1PL được áp dụng với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hàng hóa nhẹ, dễ vận chuyển và phạm vi vận chuyển hẹp thường là trong nước. Ngoài ra còn có trường hợp đó là một doanh nghiệp rất lớn, họ có thể tự thiết kế và điều hành hoạt động logistics của mình.
Ưu điểm của mô hình này là chủ sở hữu hàng hóa có thể chủ động trong thực hiện logistics phù hợp với chi phí ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, đây là hoạt động đòi hỏi kinh nghiệm, trình độ, chất lượng nhân lực cao nếu làm không tốt thì hình thức 1PL sẽ làm giảm hiệu quả gây ra các rủi ro và tốn kém chi phí.
2PL - logistics một phần - hiểu đơn giản là hình thức thuê dịch vụ đơn lẻ từ một nhà cung cấp dịch vụ (bên thứ 2). Những nhà cung cấp dịch vụ chỉ đảm nhận và đóng góp vào một khía cạnh nhỏ trong chuỗi logistics như vận tải, kho vận, thủ tục hải quan, thanh toán,... Đa phần là các công ty vận tải đường bộ hoặc những hãng tàu hay đường hàng không sẽ thực hiện dịch vụ này.
3PL cũng là hình thức thuê các dịch vụ bên ngoài để thực hiện hoạt động logistics, tuy nhiên ở mức độ cao hơn và rộng hơn 2PL. Họ có thể đảm nhận một chuỗi dịch vụ có tính kết nối với nhau giúp doanh nghiệp quản lý toàn bộ các hoạt động vận hành hoặc một số hoạt động có chọn lọc. Trong mô hình này công ty cung cấp dịch vụ sẽ đứng trên danh nghĩa của khách hàng để thực hiện các hoạt động logistics như: kê khai hải quan, thông quan hàng hóa, các chứng từ giao nhận, vận chuyển, bốc dỡ hàng, v.v nhằm đảm bảo hàng hóa đến đúng nơi quy định.
Đặc điểm của các công ty cung cấp dịch vụ 3PL thường đa dạng hình thức và phương tiện vận chuyển từ đường bộ đến hàng không. Họ có mối liên hệ mật thiết với các công ty vận chuyển khác để chắc chắn có thể đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng một cách tốt nhất và tận dụng tối đa chức năng dịch vụ của công ty.
Ngoài ra, các công ty dịch vụ 3PL sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong quy trình vận hành về thời gian chuyển hàng, tính an toàn của hàng hóa và đúng địa điểm. Nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào thì họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm.
Mô hình dịch vụ logistics 4PL thường được gọi là “Những Nhà Cung cấp Dịch vụ Logistics dẫn đầu” (Lead Logistics Providers). Đây là mô hình phát triển dựa trên nền tảng của mô hình 3PL. Công ty cung cấp dịch vụ sẽ đóng vai trò hợp nhất, gắn kết nguồn lực và tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật với các tổ chức liên quan để thiết kế, xây dựng và vận hành toàn bộ chuỗi logistics một cách toàn diện nhất.
Khi công ty Logistics 4PL quản lý chuỗi cung ứng của khách hàng sẽ đảm nhận các hoạt động mang tính chiến lược và quản lý chuyên sâu, đưa ra các giải pháp tối ưu logistics ở nhiều khía cạnh khác nhau trong toàn bộ hệ thống vận hành một cách hiệu quả.
4PL có thể sẽ quản lý một hoặc nhiều công ty 3PL khác để cung cấp toàn bộ các dịch vụ logistics được thuê ngoài. Điểm nổi bật của 4PL so với 3PL chính là giá trị cốt lõi, mang tầm chiến lược, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng doanh nghiệp dài hạn chứ không chỉ nhằm mục đích cắt giảm chi phí như dịch vụ 3PL.
Mô hình 5PL là một dịch vụ mới, phát triển trên nền tảng thương mại điện tử trong những năm gần đây nên vẫn chưa được nhiều người biết đến. 5PL sẽ kiểm soát toàn bộ hoạt động chuỗi cung ứng bằng việc sử dụng công nghệ thông tin kết hợp với các phương pháp 3PL và 4PL.
Ở thời điểm hiện tại, đây là mô hình logistics phổ biến và phát triển nhất dành cho thương mại điện tử. Nhà cung cấp dịch vụ 5PL áp dụng 3 hệ thống chủ chốt là hệ thống quản lý đơn hàng (OMS),hệ thống quản lý vận tải (TMS), hệ thống quản lý kho hàng (WMS). Cả ba hệ thống này sẽ hợp nhất thành một hệ thống thống nhất có tính liên kết chặt chẽ và liên quan mật thiết với công nghệ thông tin.
>>> Xem thêm: Quy trình cơ bản của một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh
Một trang trại bò sữa A tự mình chăn nuôi, vắt sữa, tiệt trùng, đóng gói đưa vào kệ lưu trữ, sau đó xử lý đơn hàng và vận chuyển đến điểm bán.
Cũng là một trang trại bò sữa A, họ thuê một công ty dịch vụ logistics (2PL) để vận chuyển hàng hóa của họ đến các đại lý. Điều này giúp trang trại đảm bảo thời gian giao hàng và tối ưu chi phí giao hàng.
Trang trại bò sữa A thuê một nhà cung cấp 3PL, họ chịu trách nhiệm đóng gói, bảo quản sữa và vận chuyển từ trang trại đến đại lý trên cả nước. Ngoài ra, họ còn phải đảm bảo số lượng, chất lượng sữa nguyên vẹn và thời gian giao hàng từ trang trại đến đại lý.
Nông trại A sẽ được công ty dịch vụ 4PL tư vấn thiết kế chuỗi cung ứng thích hợp, hướng đến một quy trình vận hành tối ưu và hiệu quả nhất. Lập một kế hoạch từ khâu đầu vào đến đầu ra và khi có đơn hàng thì 3PL trong hệ thống của họ cũng sẽ đảm nhận vận chuyển, bảo quản từ trang trại đến khách hàng. Họ cũng sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu xảy ra bất kỳ rủi ro trong quy trình.
Nông trại sẽ được tham gia làm thành viên của mạng cung ứng số, sử dụng thương mại điện tử để bán hàng, thường xuyên được cung cấp thông tin về tình hình thị trường và kỹ thuật canh tác, dự báo nhu cầu của người tiêu dùng, ... áp dụng các thành quả của trí tuệ nhân tạo vào trang trại.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có quy mô và cách thức hoạt động khác nhau nên việc lựa chọn mô hình Logistics cần phù hợp nhu cầu của chính bản thân doanh nghiệp. Hy vọng bài viết của Eurorack sẽ giúp bạn chọn được mô hình phù hợp để tối ưu chi phí và vận hành chuỗi cung ứng hiệu quả nhất.